VI/Prabhupada 1063 - Thoát khỏi tác động của nghiệp báo của mình



660219-20 - Lecture BG Introduction - New York

Ta lấy ví dụ, giả sử tôi là một nhà doanh nghiệp, tôi lao động cần cù và khôn khéo và tích góp được nhiều tiền. Trong trường hợp này, tôi hưởng thành quả do hoạt động của mình mang lại. Nhưng giả sử sau đó tôi bị mất toàn bộ cả vốn lẫn lẫi trong một vụ kinh doanh nào đó thì tôi sẽ bị khổ đau vì chúng. Tương tự như vậy, trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, chúng ta cũng hoặc là tận hưởng thành quả hoạt động của mình, hoặc là phải chịu khổ sở vì chúng. Cái đó được gọi là karma.

Īśvara (Đấng Tối Cao), jīva (chúng sinh), prakṛti (thiên nhiên), kāla (thời gian vĩnh cửu) và karma (nghiệp) – tất cả những vấn đề này đều được giải thích trong Bhagavad-gītā. Trong năm thứ này thì Đấng Tối Cao, chúng sinh, thiên nhiên vật chất, và thời gian là vĩnh cửu. Biểu hiện của prakṛti có thể là tạm thời, nhưng nó không phải là ngụy tạo. Một số nhà triết học nói rằng sự biểu hiện của thiên nhiên vật chất là giả, nhưng theo triết lý của Bhagavad-gītā hay triết lý của các vị vaiṣṇava, thì không phải là như vậy. Biểu hiện của thế giới không bị coi là ngụy mà được coi là thật, nhưng nó chỉ tạm thời. Có thể ví nó như đám mây bay trên bầu trời hay như mùa mưa đến tưới tắm cho lúa. Mùa mưa chấm dứt, mây bay đi và lúa má được muôi dưỡng bởi mưa mùa giờ lại khô héo. Điều này được giải thích trong Bhagavad-gītā: Bhūtvā bhūtvā pralīyate (BG 8.19). Tương tự như vậy, biểu hiện vật chất chiếm chỗ trong một khoảng thời gian nào đó, lưu lại ít lâu rồi biến mất. Đó lá hoạt động của prakṛti. Nhưng chu kỳ này tiếp diễn mãi mãi. Vì thế prakṛti là vĩnh cửu; gọi nó là ngụy tạo là không đúng. Đấng Tối Cao nói nó là, mama prakṛti, "prakṛti, của Ta". Apareyam itas tu viddhi me prakṛtiṁ parām (BG 7.5). Bhinnā prakṛti, bhinnā prakṛti, aparā prakṛti. Thiên nhiên vật chất này là năng lượng phân lập của Đấng Tối Cao, giống như chúng sinh cũng là năng lượng của Đấng Tối Cao, nhưng không tách rời mà gắn bó khắng khít muôn thủa. Vậy là Đấng Tối Cao, chúng sinh, thiên nhiên vật chất, và thời gian có quan hệ qua lại với nhau và đều là vĩnh cửu. Còn khái niệm khác, karma, thì không vĩnh cửu. Ngọn nguồn ảnh hưởng của karma có thể là từ ngàn đời. Chúng ta chịu khổ hay sướng là do kết quả những việc làm của mình từ thủa xa xưa, nhưng chúng ta có thể thay đổi karma của mình hay các kết quả hoạt động của mình, và sự thay đổi đó phụ thuộc vào sự hoàn thiện của trí thức chúng ta. Chúng ta bị lôi kéo vào đủ mọi hình thức hoạt động. Chúng ta không biết cần phải làm gì để thoát khỏi tác động của nghiệp báo của mình, nhưng điều này được giải thích cặn kẽ trong Bhagavad-gītā.

Vị trí của īśvara là ý thức cao nhất. Vị trí của īśvara, Đức Thượng Đế Tối Cao chính là vị trí của ý thức cao nhất. Jīva hay chúng sinh, những phần nhỏ bé gắn bó khắng khít với Đấng Tối Cao cũng có ý thức. Cho nên chúng sinh cũng có ý thức. Cả chúng sinh, cả thiên nhiên vật chất đều được coi là prakṛti, là năng lượng của Đấng Tối Cao, nhưng chỉ có một trong số chúng, jīva là có ý thức. Prakṛti kia vô ý thức. Sự khác nhau nằm ở đó. Jīva-prakṛti được coi là cấp cao bởi vì nó có ý thức tựa như ý thức của Thượng Đế. Song ý thức của Thượng Đế là tối cao và không nên khẳng định rằng jīva hay các chúng sinh cũng có ý thức tối cao. Chúng sinh không thể có được ý thức tối cao dù nó có hoàn thiện tới cấp độ nào đi chăng nữa và học thuyết khẳng định rằng đấy là điều có thể là một học thuyết sai lầm. Chúng sinh có ý thức, nhưng đó là ý thức không toàn thiện và không phải là ý thức tối cao.